Nỗ lực của quân Minh Chiến_tranh_Minh-Thanh

Sau khi Hoàng Thái Cực dùng kế ly gián để nhổ được gai trong mắt là Viên Sùng Hoán, xóa được nỗi bận tâm về sau, thì vô cùng mừng rỡ. Các tướng lãnh của ông thấy không còn điều gì đáng ngại nữa, bèn đua nhau yêu cầu thừa cơ đánh thốc vào Bắc Kinh. Nhưng Hoàng Thái Cực không chấp nhận vì nhận thấy quân Hậu Kim chưa tập trung đủ lực lượng để có thể công thành. Thay vào đó, ông xua quân đánh thẳng vào cầu Lư Câu, tiến kích doanh trại lớn của Mãn Quế và một số tổng binh khác đang chỉ huy 4 vạn người, đóng tại bên ngoài cửa thành Vĩnh Định. 4 vạn quân Minh bị đánh dữ dội, rã rời hàng ngũ, quân Thanh còn bắt được Lỗ vương của Minh triều đem chém đầu trước hàng quân và đem chiến lợi phẩm như vải vóc tơ lụa, vàng bạc ngọc ngà lên xe lừa, xe lạc đà rồi kéo vào Thiên Tân, Đồn Lộc vượt Lư Câu kiều.

Năm 1630 (năm Thiên Thông thứ tư), Hoàng Thái Cực lại chuyển quân đến Thông Châu, rồi tiến về phía đông để chiếm bốn thành Thông Hóa (Tôn Hóa), Vĩnh Bình (Thủy Bình), Thiên An, Loan Châu (nay đều nằm trong tỉnh Hà Bắc), rồi cho quân đóng giữ, còn ông thì dẫn đại đội binh mã trở về[26]. Hoàng Thái Cực lần này đã áp dụng chiến thuật tiêu diệt quân sinh lực của triều nhà Minh trước rồi mới tiến hành việc chiếm thành, chiếm đất sau.Sau khi mới lên ngôi, Hoàng Thái Cực đã vấp phải sự khiêu khích của đại bối lặc thứ hai là A Mẫn. Ông này yêu cầu tự mình đi làm phiên ngoại, tư lập thành một vương quốc độc lập. Yêu cầu này đã bị Hoàng Thái Cực cự tuyệt, đồng thời gây ra cho ông sự bất mãn. Việc Hoàng Thái Cực cho quân đóng giữ 4 ngôi thành vừa chiếm được là có ý định sẽ dùng cách đánh giáp công để đánh Sơn Hải quan. Nhưng sau khi ông rút quân, thì Đại học sĩ triều nhà Minh là Tôn Thừa Tông bèn tổ chức binh lực chiếm lại 4 ngôi thành này. Do vậy, đã làm xáo trộn kế hoạch của Hoàng Thái Cực khiến ông ta hết sức giận dữ.

Cùng năm, Hoàng Thái Cực cử A Mẫn mang quân đi phòng giữ bốn thành mới chiếm được là Thủy Bình, Loan Châu, Thiên An, Tôn Hóa. Quân Minh phản công lớn, bao vây và đến công chiến Loan Châu. A Mẫn kinh hoàng, hoảng hốt, không tổ chức bất cứ cuộc chống cự nào, chỉ ra lệnh rút quân. Trước khi tháo chạy, ông ta lại ra lệnh cho binh sĩ giết quân trung thành và cướp sạch tài sản của nhân dân. Loan Châu rơi vào tay quân Minh, 3 thành khác cũng nhanh chóng thất thủ. Bao nhiêu công sức, tiền bạc của Hoàng Thái Cực vất vả bỏ ra đầu tư cho 4 ngôi thành đều bị mất toàn bộ, tổn thất hết sức nặng nề.

Hành động của A Mẫn khiến cho Hoàng Thái Cực tức giận vô cùng. Nhưng hậu quả còn nghiêm trọng hơn nữa, sau khi các tướng sĩ giữ thành của triều Minh và quân dân bị sát hại, họ lấy đó để làm điều răn đe và đề phòng. Về sau, họ kiên trì không đầu hàng, càng tăng thêm khó khăn cho quân đội Hậu Kim trong việc công thành. Để lấy lại thanh danh, Hoàng Thái Cực lập tức triệu tập chư vương, bối lặc cùng các đại thần tuyên bố "16 tội lớn" của A Mẫn trong đó tội thứ 11, khép ông ta có mưu đồ áp đảo tranh giành ngôi Hãn. Thái độ của Hoàng Thái Cực rất quyết liệt, chư vương, bối lặc và các đại thần cùng nhau phụ họa cho tội trạng của A Mẫn và cho rằng ông ta đáng chết. Lúc đó, Hoàng Thái Cực lại tỏ lòng độ lượng "dung tha tội chết" cho A Mẫn, chỉ xóa bỏ vị trí đại bối lặc, xóa bỏ danh hiệu kỳ chủ, xử tù chung thân. Toàn bộ tài sản, dân nô của ông ta và ngôi kỳ chủ đều do người em là Tế Nhĩ Cáp Lãng kế thừa. Một người không có quyền thế và kinh nghiệm chính trị như Tế Nhĩ Ha Lang thì lực ượng Tương Lam kỳ do ông ta chỉ huy nhanh chóng trở thành lực lượng trung thành của Hoàng Thái Cực.

Nhìn chung, trong năm 1630, triều đình nhà Minh cũng đã có một số nỗ lực nhất định để giành lại một số thành trì đã bị mất, tích cực xây dựng công sự phòng ngự. Nhưng đây cũng là những nỗ lực cuối cùng được nhen nhóm từ phái chủ chiến vốn chiếm thiểu số trong triều đình. Sau đó, nhà Minh ngày càng đi sâu vào con đường bị động, nhu nhược của phái chủ hòa. Ngoài mặt trận, các chỉ huy trở lại chiến thuật phòng thủ co cụm, dựa hẳn vào ưu thế pháo binh. Đối với một số cơ hội phản công rõ rệt thì họ lại "án binh bất động" bỏ lỡ thời cơ.